GIỚI THIỆU

CDN

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT - tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung ương. Trường được thành lập năm 1970 (theo Quyết định số 1104 ngày 05/9/1970 của Tổng cục...

next

HÌNH ẢNH

TIN TỨC icon TIN TỨC HOẠT ĐỘNG

Hướng tới 50 năm truyền thống Nhà trường

Hướng tới 50 năm truyền thống Nhà trường


  • icon
  • icon
  • icon


Bài thơ: NĂM MƯƠI NĂM MỘT NGÔI TRƯỜNG

( Nhà giáo Vũ Văn Đàm -  Sáng tác tháng 10/2020)

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc

Xưa là Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung Ương

Năm mươi năm phát triển một chặng đường

Đã bóng dáng một ngôi trường hiện đại

Rất tự hào chúng ta nhớ lại

Một ngôi trường thành lập lúc chiến tranh

Một chiến lược cho đất nước khi hòa bình

Một dự định cho phồn vinh phát triển

Đội ngũ giáo viên yêu nghề cống hiến

Lớp lớp học sinh ham học chăm rèn

Từ vách nứa mái tranh đến ngói hóa vươn lên

Thành cao tầng khang trang bề thế

Qui mô đào tạo từ mấy nghề nhỏ bé

Thành một trường đa cấp, đa nghề

Là một trường trọng điểm quốc gia

Trụ cột bốn, năm trường trong nước

Trường biết lo xa cho chương trình dài bước

Hợp tác với Liên Xô, với Đức, với Hà Lan

Bè bạn năm châu đã biết đến tên

Gửi giáo viên đến nâng cao trình độ

Trước mỗi ngày lại càng rộng mở

Đón nhận sinh viên từ khắp mọi miền

Đã đủ tầm đủ sức vươn lên

Cùng đất nước đến văn minh hiện đại

Mời về đây chúng ta gặp lại

Cùng tri ân các thế hệ lão thành

Mời về đây cảm nhân sự quang vinh

Vững niềm tin chặng đường trường đi tới

Nhận Huân chương Độc lập rồi, sẽ nhận Huân chương mới

Mười năm sau gặp lại sẽ tốt hơn nhiều./.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUYÊN

Nhà giáo Trần Thi

(Nguyên Trưởng ban Lâm sinh- từ năm 1977-1982)

          Tháng 10/1970, sau khi tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành Cơ giới hóa trồng rừng, tôi được Bộ Lâm Nghiệp phân công về nhận công tác tại trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp I Trung ương (Trường CNKTLN I TW). Cùng về trường với tôi có anh Hoàng Mạnh Thọ cùng lớp, anh Bùi Như Diễm, anh Nguyền Thiệu Tiếp cùng khóa, nhưng ở chuyên ngành khai thác. Trong 12 năm công tác tại trường đã để lại trong tôi những năm tháng không bao giờ quên.

Trường đóng địa điểm  cạnh ga Voi xô, ngay bên bờ sông Thương. Thời gian đầu chưa có nhà ở, chúng tôi phải ở nhờ nhà dân, giáo viên chúng tôi phải cùng nhau làm nhà để ở. Trường, lớp do Ban kiến thiết của trườngchịu trách nhiệm.  Ban Trồng rừng chúng tôi lúc đầu chỉ có 12 giáo viên, do thầy Đàm Đình Ích là trưởng ban, thầy Nguyễn văn Thư là phó trưởng ban. Ban có 3  giáo viên nữ: Cô Thất, cô Ninh, cô Hường, là giáo viên hướng dẫn thực hành . Tôi và thầy Hoàng mạnh Thọ đảm nhận môn cơ giới trồng rừng ; thày Phạm Minh, thày Phan Sỹ Toàn Toàn là giáo viên hướng dẫn thực hành.

Trường CNKTLN I Trung ương  là trường dạy nghề đầu tiên của Bộ Lâm nghiệp, đào tạo công nhân lâm nghiệp ra trường đã có tay nghề bậc 2/5.  Chúng tôi xác đinh đã ở trường dạy nghề thì giáo viên giảng dạy lý thuyết cũng phải nắm vững, tiến tới thành thạo tay nghề. Bản thân tôi giảng lý thuyết môn học cơ giới hóa trồng rừng( học sinh học sử dụng máy khoan đào hố trồng cây và biết sử dụng lái máy Công nông), nhưng cũng phải sử dụng thành thạo hai loại này và sử chữa hỏng hóc thông thường. Vì vậy cũng có thể tham gia hướng dẫn như các giáo viên chuyên thực hành.  

Nhà trường được xây dựng trong hoàn cảnh miền Bắc đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho giải phóng miền Nam. Nề nếp sinh hoạt của nhà trường phải thực hiện trong hoàn cảnh thời chiến. Các lớp phải đào hầm tránh bom Mỹ; khi lao động ở hiện trường có tiếng máy bay phải nghe lệnh giáo viên nhanh chóng sơ tán; máy bay Mỹ bay khỏi lại nhanh chóng tập trung nghe giáo viên hướng dẫn kỹ thuật. Trong những năm gian khó đó, thày và trò luôn đồng cảm với nhau, động viên lẫn nhau. “ Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam do Mỹ tiến hành ở miền Nam bị phá sản, để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Mỹ tiến hành ném bom miền Bắc lần thứ hai, suốt từ Quảng Bình đến Lạng Sơn; đến ngày 10/4 thì không quân Mỹ sử dụng máy bay ném bom B52. Nhận được chỉ đạo của Bộ Lâm nghiệp và theo dõi sát tình hình trường quyết định sơ tán vào Phì Phà, cách địa điểm trưởng khoảng 5km. Học sinh của trường tuyển ở nhiều tỉnh, từ Trị Thiên Huế trở ra ngoài Bắc, chỉ trừ thành phồ Hà Nội.  Học sinh tuyền vào hầu hết là học sinh sau khi học hết cấp II.  Nhà trường giao cho giáo viên đã tốt nghiệp đại học như chúng tôi tham gia dạy bổ túc văn hóa thêm cho các em vào buổi tối.  Tỷ lệ nữ trong học sinh ban Trồng rừng rất cao, tới 60%. Nhiều em nữ ở các tỉnh đồng bằng, lần đầu tiên đặt chân lên đất  lâm nghiệp, nhiều em lần đầu nhìn thấy củ sắn, chưa phân biệt củ sắn nào ăn được, sắn nào ăn sẽ bị say. Tôi nhớ một lần khoảng hơn 21 giờ, một số em nữ ở lớp T7K, người Thái Bình luộc phải sắn dù, ăn xong bị say, sùi bọt mép. Lớp sợ quá chạy sang gọi thày, chúng tôi cho các em uống nước đường, một lúc sau thì tỉnh, không phải đưa đi viện. Hôm sau, cô giáo trong Ban phải đưa các loại cây sắn để các em nhận diện loại nào ăn được, loại nào không. Ở nơi sơ tán thày trò phải tự làm nhà ở và lớp học. Học sinh nữ ban đầu rất bỡ ngỡ, thày cũng chẳng hơn bao nhiêu, nhưng đều động viên nhau cố gắng. Học sinh nam lên rừng chặt cây về làm cột, kèo; học sinh nữ đi cắt cỏ tranh đánh thành phên để lợp nhà. Người biết bảo người chưa biết, cuối cùng chỗ ở, chỗ học cũng hoàn thành. Mặc dù ở nơi sơ tán chúng tôi vẫn phải làm hầm chữ A, đào giao thông hào từ nhà ở và từ lớp học thoát ra ngoài. Chúng tôi sơ tán không bao lâu thì máy bay Mỹ ném bom sân bay Kép, ga Voi Xô đều cách trường không xa.  

Do phải gắn thực tiễn giữa học và hành, nhà trường thường xuyên ký hợp đồng trồng rừng với lâm trường Hữu Lũng. Những kiến thức học trong trường được áp dụng ngay vào thực tiễn. Học sinh phải biết làm từ sử lý hạt đến khi nảy mầm,  gieo vào bầu, chăm sóc cây giống đến làm đất, trồng và chăm sóc rừng. Học sinh trong ban rất đông, có thời điểm đến 600 học sinh, giáo viên hướng dẫn thực hành rất vất vả. Tôi nhớ một lần thày Phạm Minh tuy là giáo viên hướng dẫn học sinh về sử dụng máy khoan, máy công nông, nhưng thày còn đảm nhận hướng dẫn học sinh môn cây rừng. Do hướng dẫn nhiều lớp nên trong một lần đi hướng dần học sinh môn cây rừng, thày mệt quá ngất đi tại rừng, học sinh lo quá, nhiều em khóc, một số em lấy nón quạt cho thày, em thì chạy về trường gọi chúng tôi. Rất may một lúc sau thày tỉnh lại; nghỉ ngơi một lúc thày lại tiếp tục hướng dẫn học sinh.  

Đội ngũ giáo viên trong ban gắn bó với nhau, giúp nhau không chỉ trong chuyên môn mà ngay trong cuộc sống hàng ngày. Thời kỳ bao cấp rất khó khăn, không có gạo, thày giáo và học sinh ăn bột mỳ hàng năm. Để cải thiện thêm, giáo viên ban trồng rừng chúng tôi tổ chức trồng lúa nương, trồng sắn. Mùa thu hoạch sắn, chúng tôi dỡ về đóng vào  bao tải, chất lên xe công nông, 4 giờ sáng chở xuống thị xã Bắc Giang bán, để cải thiện thêm. Lạng sơn là trọng điểm trồng cây thuốc lá của miền Bắc, thời kỳ này thuốc lá cuốn  rất phổ biên; ban chúng tôi cũng trồng cả thuốc lá, thu hoạch xong sấy khô gửi bán. Thực tiễn cuốc sống gắn bó đội ngũ giáo viên chúng tôi như người một nhà; cái “tôi” hầu như không có chỗ để tồn tại.  

Sau thất bại đánh phá bằng không quân vào miền Bắc lần thứ hai thất bại, ngày 27/01/1973, đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt ném bom miền Bắc, rút quân Mỹ về nước. Trường chuyển từ Phì Phà về xây dựng tại Cầu Cài, xã Minh Sơn bây giờ. Một lần nữa thày trò chúng tôi lại khai thác gỗ làm cột, cắt gianh làm mái dựng nhà ở. Lần này thày, trò có kinh nghiệm làm nhà hơn nên công việc chỉ mất hơn một tháng có thể chuẩn bị bước vào học được. Nhiều em học sinh nữ ở vùng xuôi học rất nhanh đan phên tranh, lên mái lợp nhà. Nhiều em nói vui với tôi: “ Thày ạ, có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nữ chúng em lên mái lợp nhà”. Tôi mới thấy thấm thía  con người ta không gì là không làm được.

Công tác tuyển sinh do phòng phòng tổ chức đảm nhiệm, thi thoảng giáo viên cũng phải đi tuyển sinh ở một số tỉnh. Năm 1973, tôi được trường phân công đi tuyển sinh ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tôi đạp xe từ trường về huyện Yên Dũng khoảng 60 km. Lần đầu tiên tiếp xúc với lãnh đạo huyện tôi cũng lo,  đồng chí Chủ tịch huyện hỏi han cụ thể về trường, cách thức đào tạo. Đồng chí Chủ tịch huyện cấp cho tôi giấy giới thiệu  xuống mốt số xã làm việc. Lãnh đạo xã bố trí tôi ở nhờ nhà dân, hàng ngày đến trụ sở xã và đến các thôn  tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ về trường, thời gian đào tạo, phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Khoảng một tháng tôi đã nhận đủ 30 mươi hồ sơ mang về trường.

Năm 1973, chương trình truyền hình đen trắng được phát, trường chưa có TV, chúng tôi phải xem nhờ ở đơn vị bộ đội. Cuối năm 1974, trường quyết định dựng cột ăng ten để tiếp sóng truyền hình Việt Nam. Do địa điểm trường như nằm ở dưới thung lũng, xung quanh là các quả đồi cao, nên rất khó bắt được sóng. Chúng tôi phải nối hai cây mỡ to với nhau, dùng máy kéo gỗ kéo dần lên, cuối cùng đã dựng được ăng ten. Tối nào sân trường cũng kín mít thày trò ngồi xem Tivi, nghe tin thời sự về tình hình miền Nam, đặc biệt những ngày chúng ta tổng tiến công giải phóng miền Nam. Mỗi khi người dẫn chương trình nói  tên tỉnh được giải phóng, mọi người lại đứng dậy vỗ tay hoan hô. Chúng tôi theo dõi liên tục thông tin trên truyền hình, từ giải phóng Buôn Ma Thuật đến ngày 30/4/1975, ta tiến vào dinh Độc Lập. Chúng tôi thật sự được sống những ngày sôi động cùng cả nước, cảm giác như chính mình là những người đang ở mặt trận.

Tháng 5/1975, tôi được Bộ lâm nghiệp bổ nhiệm làm phó Trưởng ban trồng rừng, lúc này thày Đàm Đình Ích được bổ nhiệm làm Phó  Hiệu trưởng, thày Nguyễn Văn Thư làm Trưởng ban Trồng rừng. Tuy vừa giảng dạy lý thuyết vừa làm quản lý, nhưng tôi vẫn thống nhất với Trưởng ban nếu không phải lên lớp, lãnh đạo ban thường xuyên xuống địa bàn học sinh đang sản xuất để nắm tình hình, giải quyết kịp thời sự việc phát sinh, động viên thày, cô và học sinh. Tháng 6/1976, tôi được nhà trường cử về Bộ học lớp tiếng anh đầu tiên do Bộ tổ chức. Đang học lớp tiếng Anh thì bác Nông văn Chấn, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, cho gọi tôi sang Vụ và thông báo cử tôi cùng với một số cán bộ của Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, sang Bungari tham quan học tập về máy kéo Volga, theo chương trình hợp tác giữa hai nước trong thời gian một tháng. Tôi là người đầu tiên của trường được cử đi nước ngoài vừa mừng, vừa lo không biết đi ra nước ngoài sẽ như thế nào. Ngày đó đi nước ngoài chúng tôi được Bộ Tài chính cho mượn hai bộ comle và một chiếc vani; sau chuyến công tác lại mang trả bộ Tài Chính. Tháng 10/1977, tôi được Bộ Lâm nghiệp bổ nhiệm làm Trưởng ban Trồng rừng, thay thày Thư được Bộ điều động vào làm Phó Hiệu trưởng trường CNKTLN TW II tại Bình dương. Cũng trong năm 1977, tôi được bầu làm Phó Bí thư Đoàn trường. Thày Phạm Minh thôi làm giáo viên ở Ban, làm Bí thư Đoàn  trường chuyên trách.

Đầu năm 1978, học sinh khóa VII đã học xong chương trình lý thuyết, sẽ tiến hành thực tập trong 3 tháng. Lúc này một số lâm trường phía Nam chưa tuyển được công nhân, Bộ Lâm nghiệp quyết định đưa một lớp học sinh trồng rừng và một lớp học sinh chuyên ngành khai thác của trường vào thực tập tại lâm trường La Ngà, thuộc tỉnh Đồng Nai. Sau khi cân nhắc, tôi đề nghị Ban Giám hiệu cử lớp T7C, gồm 45 em do thày Doãn Trung Đệ là giáo viên hướng dẫn thực hành đưa đi, cùng với 45 học sinh Ban Khai thác do thày Nguyễn văn Giai dẫn đầu. Đầu tháng 3/1978, xe của trường đưa các em xuống Hà nội và lên tàu Thống nhất đi miền Nam.  Miền Nam mới giai phóng vẫn còn nhiều phức tạp, chúng tôi động viên thày và trò yên tâm vào Nam thực tập. Trường vinh dự là đơn vị đầu tiên của miền Bắc cử người vào miền Nam trực tiếp sản xuất. Rất không may trong quá trình cuốc đất chuẩn bị trồng rừng, một em học sinh của Ban cuốc phải đầu đạn M79 của Mỹ còn xót lại và phát nổ, làm hai em học sinh chết, 3 em bị thương (sau này hai em chết được lâm trường La Ngà làm thủ tục và được Nhà nước công nhận là Liệt sỹ). Sau 3 tháng thực tập, Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo của Bộ vào trao bằng tốt nghiệp và quyết định phân công các em ở lại công tác tại Lâm trường.

Ngoài chuyên môn, hoạt động văn nghệ thể thao của trường rất sôi nổi; tôi vẫn tham gia đá bóng cùng với học sinh vaò các buổi chiều. Tôi được cử làm đội trưởng đội bóng đá của trường, đội bóng đá của trường tham gia các giải do huyện Hữu Lũng tổ chức, đá giao hữu với các đơn vị bộ đội đóng ở gần trường. Tỉnh Lạng sơn và huyện Hữu Lũng thường tổ chức hội diễn Văn nghệ quần chúng; kỳ nào trường cũng tham gia, các tiết mục chủ yếu của học sinh Ban Trồng rừng và đều giành được giải.

Giữa năm 1977, nhà văn quân đội nổi tiếng Đỗ Chu (được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2012), ông rất giỏi viết tùy bút, các nhà văn đánh giá ông viết tùy bút chỉ sau nhà văn Nguyễn Tuân. Ông là bạn học với thày Thư từ hồi học sinh phổ thông ở Bắc Ninh, có lên thăm trường. Ông nói với chúng tôi là ông rất ngạc nhiên và khâm phục khi nhà trường cung cấp bộ khung cho các trường công nhân ở Sông Bé, Phú Thọ, đào tạo được nhiều nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp và học sinh của trường có mặt hầu hết ở các lâm trường miền Bắc, miền Trung. Thời đó nhà văn Đỗ Chu được Đài Tiếng nói Việt Nam mời chuyên viết tùy bút cuối năm, phát trước giờ giao thừa. Bài tùy bút cuối năm thời đó mang tính tổng kết những thành tựu về kinh tế, những điển hình tiên tiến của đất nước. Trường CNKTLN I TW vinh dự 2 năm 1977 và 1978 có tên trong tùy bút của ông, được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đêm nghe bài tùy bút của ông nhắc đến tên trường, chúng tôi thấy thật tự hào về đóng góp của trường cho đất nước..

Tháng 9/1980, Bộ Lâm nghiệp quyết định đưa học sinh các trường của Bộ lên Hàm Yên, Tuyên Quang tham gia trồng rừng nguyên liệu,  phục vụ cho nhà máy giấy Bãi Bằng; gồm các trường: Đại học Lâm nghiệp, trường Trung học lâm nghiệp Quảng ninh, Trường CNKTLN I TƯ và trường CNKTLN Phú Hộ, Phú Thọ. Tôi được nhà trường giao làm trưởng đoàn, thày Phan Sỹ Quyền làm phó đoàn. Ban Giám hiệu phân công thày Thư  Phó Hiệu trưởng  theo dõi, chỉ đạo đoàn. Đợt đi này là toàn bộ học sinh Trồng rừng khóa VIII, gồm 160 em; cùng với 6 giáo viên của Ban ( thày Hiệp, cô Bích, cô Lưu, Cô Mẫn ), anh Đính ở Ban xe máy mang dụng cụ rèn đi để sửa chữa dao, cuốc cho học sinh; thày Nhân ở Ban khai thác đi giúp sử dụng cưa đơn, cưa xăng và một số chị em phuc vụ. Chúng tôi tập kết và ở doanh trại của quân đội đã chuyển đi. Lương thực, nhu yếu phẩm định kỳ nhà trường chuyển lên. Chúng tôi ăn như chế độ ở trường; học sinh đi làm được bồi dưỡng 4 hào một ngày theo chế độ thực hành.

Tôi lên Tổng công ty nguyên liệu giấy Hàm Yên-Bắc Quang, gặp bác Dương Thành Mậu. Tôi với bác Dương Thành Mậu cùng học lớp tiếng Anh do Bộ tổ chức, nên trao đổi rất thuận lợi. Sau khi nắm được thành phần của đoàn, bác Mậu nói với tôi: Đoàn của chú nhiều nữ, mới học hết năm thứ nhất, nên công việc sẽ vất vả, chú phải luôn nhắc nhở các em học sinh về an toàn lao động. Thực bì phải xử lý chủ yếu là nứa, trong đó rất nhiều nứa dại, nên chú phải hướng dẫn các em cách chặt sao cho đúng. Một việc nữa anh nhắc chú, khi đốt thực bì thì đốt từ trong khe trước, khi cháy được khoảng 1/3 lên thì tiến hành đốt từ phía trên xuống và nhớ làm băng cản lửa rừng ở phía trên để không cho cháy lan. Khi đốt thực bì mang diêm chứ không nên cầm đuốc đi từ ngoài vào, ở lâm trường Bắc Quang đã có hai công nhân cẩm đuốc đi từ ngoài vào, tàn đóm rơi xuống gặp thực bì khô bùng cháy ngay phía sau, hai công nhân không kịp chạy thoát.

 Những lời dặn của bác Dương Thành Mậu tôi về triển khai ngay. Tôi tập hợp các em học sinh lại để phổ biến. Tôi cho chôn 2 cây nứa, buộc dây vào ngọn nứa kéo cong xuống, giống như cây bị cong trong tự nhiên và hướng dẫn học sinh cách chặt (thực bì khu vưc trường chủ yếu là cây bụi, không có nứa). Đầu tiên làm thị phạm đúng là chặt vào phía bụng cây nứa, sau đó mới chặt phần lưng, cây sẽ rơi tại chỗ.  Thày Quyền làm thị phạm khi thao tác sai thì sẽ như thế nào. Thày Quyền cầm dao phát, đứng cách cây nứa thứ hai gần một mét và chặt vào lưng cây nứa(theo chiều cong), cây nứa toác ra, bật ngược lên, các em học sinh ngồi dười đồng thanh “ ồ”  lên trước sự nguy hiểm khi không thao tác đúng. Chính từ thị phạm thực tế trên nên suốt thời gian 3 tháng ở Hàm Yên không học sinh nào gặp tai nạn.

Do tính chất và điều kiện tác nghiệp xa trường, giáo viên chúng tôi luôn bám sát học sinh, có gì  khó giáo viên trực tiếp làm. Chúng tôi ăn cơm sáng, mỗi người mang vài cái bánh bột mỳ luộc để ăn trưa; nghỉ ngơi khoảng một tiếng, đến 15h30 các em về còn tắm giặt. Học sinh đi làm kết hợp lấy măng, rau rừng về cải thiện.  Do quan hệ tốt với lâm trường Hàm Yên, khi tôi đề nghị, các anh lãnh đạo lâm trường đã ưu tiên thanh lý cho đoàn 2 con trâu, giá mỗi con các anh chỉ lấy 150 đồng. Do vậy cũng cải thiện được phần nào bữa ăn cho học sinh.  

Theo quy trình thì sau khi chặt hết nứa mới ngả gỗ. Tôi lên Tổng công ty mượn được hai cưa xăng Thụy Điển. Tôi, thày Nhân, anh Đính làm nhiệm vụ đi ngả gỗ. Có những cây ngả ở đình đồi, lao xuống tận chân đồi vì đổ trên  giàn nứa như băng trượt. Kế hoạch bộ giao cho trường 100 ha, nhưng khi chúng tôi đến địa điểm tập kết thì lâm trường lại chưa thiết kế xong. Vì vậy thiết kế đến đâu chúng tôi làm đến đấy nên rất mất công làm đường cản lửa xung quanh; có những lần đốt bén sang rừng chưa giao, chúng tôi phải huy động học sinh dập lửa suốt đêm. Lo lắng nhất của tôi là mỗi lần chuẩn bị đốt thực bì. Vì thực bì toàn là nứa dại nên khi cháy ngọn lửa rất mạnh và bốc cao, mà học sinh phần lớn ở các tỉnh đồng bằng chưa có kinh nghiệm phòng, tránh. Trước khi đốt giáo viên chủ nhiệm phải cho kiểm tra đủ học sinh của lớp mình. Một lần chúng tôi đốt tới 21 ha, 10 giớ sang tôi châm lửa, lửa cháy thông qua đêm tới 9 giờ sáng hôm sau thì tắt; tàn nứa rơi xuống cả thị trấn Hàm Yên cách đó 4 km. Các anh lãnh đạo lâm trường Hàm Yên cho biết cũng chưa đốt một lúc nhiều như thế.

Một tin vui đến với chúng tôi là Bộ Trưởng Bộ Lâm nghiệp sẽ đến thăm (sau này Bộ trưởng được bầu là Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương). Cùng đi có Bác Dương Thành Mậu, bác Mậu nói nhỏ với tôi: Bộ trưởng hỏi trường nào làm tốt, anh giới thiệu là Trường chú đấy và Bộ Trưởng quyết định đến thăm. Lúc này chúng tôi đã hoàn thành trồng xong 123,5 ha bồ đề, vượt mức kế hoạch Bộ giao 23,5 ha. Sau khi đi thăm nơi ăn, ở của thày và trò, Bộ trưởng khen ăn ở sinh hoạt gần giống với quân đội. Thấy một học sinh cầm một bó măng về, Bộ trường cười hỏi măng gì, học sinh trả lời măng giang ạ, Bộ trưởng cười bảo là măng rung. Chúng tôi chưa biết măng rung là măng gì. Bộ trưởng nói các cháu cầm cây măng rung lắc một cái, ngọn măng chỗ non giáp với chỗ già gẫy ra, nên gọi là măng rung, Bộ trường và chúng tôi cười vui vẻ. Tôi cho tập hợp học sinh nghe Bộ trưởng nói chuyện. Tôi rất ngạc nhiên khi câu đầu tiên Bộ trưởng hỏi: Các cháu đang đi làm gì?  Nhiều học sinh trả lời chúng cháu đi trồng rừng, chúng cháu trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy giấy... Bác cười bảo: Các cháu trả lời chưa chính xác, các cháu đang đi làm cách mạng đấy. Cứ làm gì có lợi cho nước, cho dân là làm cách mạng các cháu ạ. Bác tuyên dương thày, trò nhà trường đã vượt kế hoạch cao nhất so với các trường và an toàn tuyệt đốit. 40 năm đã trôi qua, tôi luôn thấm thía câu nói của Bộ trưởng Trần Kiên về hai từ “cách mạng” , nó không cao xa, nó luôn thường trực ở mỗi người, khi mình làm gì có lợi cho tập thể, cho cộng đồng.

Sau khi hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, chúng tôi trở về trường. Một hôm, thày Nguyễn Đức Biên, Bí thư chi bộ giáo viên nói với tôi: Chi bộ đã xét Thi vào Đảng và Đảng ủy Trường đã nhất trí, chờ quyết định kết nạp của Huyện ủy Hữu Lũng. Ngày 25/11 năm 1980, tôi vinh dự được kết nạp vào kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt nam. Tính tới thời điểm đó tôi là người thứ hai sau thày Phạm Minh được kết nạp vào Đảng. Tháng 10/1982, tôi được chuyển về tỉnh Yên Bái công tác. Trong 37 năm công tác, tôi có 12 năm là giáo viên của trường CNKTLN I TW. Mặc dù đã trải qua cương vị Phó Trưởng ban kinh tế Tỉnh ủy Yên Bái, gần 10 năm làm Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, trực tiếp làm công tác tổng hợp của Tỉnh ủy, tôi luôn xác định, những ngày công tác ở trường, đồng cam cộng khổ với nhau, tính mô phạm của người thày đã thấm vào máu, lên luôn giúp tôi không nề hà công việc được giao, luôn gương mẫu trong cuộc sống. Tôi cảm ơn trường đã đào tạo, giúp đỡ tôi.

NHỮNG NGÀY ĐẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CNKT LÂM NGHIỆP I TW

HỮU LŨNG - LẠNG SƠN

Nhà giáo Trần Văn Kỵ

(Cựu trưởng phòng giáo dục Trường CNKT Lâm nghiệp TWI 1971-1975)

Tháng 9 năm 1970, Tổng cục Lâm nghiệp có quyết định giải thể các trường Trung cấp Lâm nghiệp Việt Bắc (ở Bắc Cạn), Cơ giới trồng rừng (ở Bắc Giang), lá xe ô tô (ở Thái Nguyên), Cơ khí Lâm nghiệp (ở Tam Đảo), đồng thời điều động một số cán bộ, giáo viên của ngành đi xây dựng trường CNKT LN TWI ở Lạng Sơn.

Thời gian đầu chưa xin được địa điểm chính thức ở Hữu Lũng, trường công nhân cơ giới trồng rừng đang đào tạo khóa cơ giới nên tất cả các cán bộ, giáo viên CNV của các nơi được điều động về trường phải tạm thời về ở Lạng Giang - Bắc Giang.

Cuộc kháng chiến chống  Mỹ cứu nước  ở thời điểm này có nhiều khó khăn; Để tiếp nhận một số tài sản, vật tư thiết bị hàng hóa ở các nơi chuyển về trường, năm cán bộ đầu tiên đi xây dựng trường đã đoàn kết thống nhất trong ý trí và hành động, tranh thủ sự lãnh chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả, kịp thời của Tổng cục Lâm nghiệp, mọi người đã đến tại các cơ sở, nhận bàn giao tài sản, vật tư thiết bị và một số cán bộ, giáo viên công nhân viên.

Trong khó khăn gian khổ như vậy mọi người đã tự giác học tập và thực hiện đúng di chúc của Bác Hồ kính yêu, thực hiện giao nhận, vận chuyển 126 chuyến xe ô tô vận tải từ các nơi về trường. Có những trường hợp thật vô cùng cảm động như đến nhận bàn giao tại trường công nhân lái xe ở Thái Nguyên (thuộc cục khái thác) chỉ còn lại 4 giáo viên lái xe và máy kéo trông coi, bảo quản 14 xe ô tô, 2 máy kéo, 35 hòm dụng cụ đồ nghề sửa chữa xe và một số tài sản khác, khi bàn giao không thiếu một chi tiết nào.

Việc giao - nhận toàn bộ vật tư, thiết bị, hàng hóa đồ dùng dạy học .v.v theo đúng quy định, không để xảy ra sai sót, vụ việc tiêu cực nào….

Có được kết quả đó chính là nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo trực tiếp, đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế của Tổng cục Lâm nghiệp, của lãnh đạo nhà trường…., đặc biệt là tinh thần và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên CNV đã được quán triệt, học tập và thực hiện đúng di chúc của Bác Hồ kính yêu./.

ĐI XIN ĐẤT DỰNG TRƯỜNG CNKT LÂM NGHIỆP ITW

HỮU LŨNG - LẠNG SƠN

Nhà giáo Trần Văn Kỵ

(Cựu trưởng phòng giáo dục Trường CNKT Lâm nghiệp TWI 1971-1975)

Ngày 18-10-1970 có giấy giới thiệu của Tổng cục Lâm nghiệp cử tôi lên UBND tỉnh Lạng Sơn xin đất gần ga Voi Xô - Hữu Lũng để xây dựng trường. Sau khi ủy ban tỉnh Lạng Sơn có quyết định cấp hơn 4ha đất đồi rừng, trường đã xây dựng thêm 500 mét vuông nhà tạm để trường chiêu sinh hơn 200 học sinh khóa 1 đào tạo 2 chuyên ngành trồng rừng và khai thác lâm sản.

Thời kỳ này máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, trường phải sơ tán vào đội lâm nghiệp Phì Phà; trời lại mưa bão nhiều, lụt lội, đường đi lại rất khó khăn…. Đầu năm 1973, Tổng cục Lâm nghiệp lại có công văn xin UBND tỉnh Lạng Sơn cho trường được chuyển qua khu Đồn Vang xã Minh Sơn huyện Hữu Lũng, nơi trường hiện nay đang ở.

Thông qua các bạn đồng nghiệp, tôi được gặp đồng chí La Thăng phó bí thư tỉnh ủy. Sau khi xem giấy giới thiệu và nghe tôi trình bày, đồng chí nêu sáng kiến quan điểm của lãnh đạo tỉnh, đồng chí dự kiến cấp cho trường 25ha rừng và đất rừng ở khu vực này để trường xây dựng cơ sở học tập, thực hành học tập, xây dựng khu gia đình v.v. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo trường phải phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương, với Hạt kiểm lâm và lâm trường để xây dựng nơi đây phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tiêu biểu của tỉnh, của Tổng cục Lâm nghiệp v.v…

Sáng hôm sau đồng chí La Thăng sang trao đổi với thường trực UBND tỉnh và các nghành có liên quan đều thống nhất, UBND tỉnh đã có quyết định đồng ý cấp cho trường 25 ha để trường chuyển từ Voi Xô ra xã Minh Sơn.

Thật là dịp may hiếm có, thể hiện các bộ lãnh đạo của tỉnh vừa có tâm, có tầm lại dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm trước tỉnh, trước nhân dân và Tổng cục Lâm nghiệp.

Được chuyển ra địa điểm mới xã Minh Sơn, cán bộ giáo viên, công nhân và học sinh của trường qua các thế hệ và đang thực hiện đúng ước vọng của mình, của Tổng cục Lâm nghiệp, của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bằng xây dựng và phát triển trường ngày càng to đẹp hơn, đào tạo có kết quả, có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước./.

ĐI DUYỆT TỐT NGHIỆP VÀ PHÂN CÔNG HỌC SINH KHÓA I

CỦA TRƯỜNG CNKT LÂM NGHIỆP HỮU LŨNG - LẠNG SƠN

Nhà giáo Trần Văn Kỵ

(Cựu trưởng phòng giáo dục Trường CNKT Lâm nghiệp TWI 1971-1975)

          Sau 18 tháng học tập, hơn 200 học sinh khóa I của Trường CNKTLN TWI đã đỗ tốt nghiệp 100% với 2 chuyện ngành trồng rừng và khai thác. Cuối tháng 9 năm 1972 tôi được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ đến vụ tổ chức và đào tạo, vụ lao động tiền lương (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) đang sơ tán ở huyện Thanh Sơn - Phú Thọ để duyệt tốt nghiệp và phân công học sinh ra trường.

Trong thời gian này máy bay Mỹ đánh phá Miền Bắc ác liêt, tôi vừa đi xe đạp đến đầu ga kép thì bị một trận bom Mỹ trong ga cách mình không xa, đất đá bắn tung tóe quanh mình. Sau trận bom đó, tôi lại tiếp tục đạp xe đi Bắc Giang - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc về đến Việt Trì vừa tối. Sáng hôm sau lại tiếp tục đi xe đạp qua bến đò Ghềnh (Sông Thao) lên đất Cổ Tiết để đi Thanh Sơn. Vừa rời bến đò chừng 1km thì máy bay Mỹ lại thả 1 trận bom xuống Cổ Tiết, đất đá bắn tung tóe quanh mình nhưng thật may tôi vẫn an toàn.

Vào đến lâm trường Thanh Sơn tôi lại gặp 1 số bạn đồng nghiệp, giám đốc và phó giám đốc…, các bạn thăm hỏi, biết tôi đã duyệt tốt nghiệp và phân công học sinh ra trường, các đồng chí viết công văn xin Tổng cục Lâm nghiệp cho nhận tất cả 51 học sinh trồng rừng, khai thác khóa 1 quê họ ở tỉnh Phú Thọ được về làm việc tại Lâm trường Thanh Sơn.

Tiếp tục đi vào xã Thục Luyện, Tam Cửu nơi Tổng cục Lâm nghiệp sơ tán, duyệt xong tốt ghiệp và phân công học sinh ra trường vụ lao động tiền lương đồng ý phân công 51 học sinh về lâm trường Thanh Sơn làm việc….

Sau 20 năm tôi có dịp trở lại lâm trường Thanh Sơn, được biết số học sinh khóa I của trường được phân công về Phú Thọ đều đã an tâm công tác, nhiều anh chị em đã trưởng thành, có 8 người đã là đội trưởng, đội phó, 1 làm phó giám đốc và 1 làm giám đốc lâm trường, không có trường hợp nào bỏ việc hoặc vi phạm kỷ luật. Thực tế đó chứng minh kết quả đào tạo của trường CNKTLN TWI là có hiệu quả rất rõ rệt./.