GIỚI THIỆU

CDN

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT - tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung ương. Trường được thành lập năm 1970 (theo Quyết định số 1104 ngày 05/9/1970 của Tổng cục...

next

HÌNH ẢNH

GIỚI THIỆU icon LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Lịch sử hình thành

Lịch sử hình thành


  • icon
  • icon
  • icon


LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC

Từ ngày đầu thành lập (năm 1970) với tên gọi “Trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp I Trung ương” và ngày nay là “Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc”, Nhà trường đã trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển. Trong những năm qua, Nhà trường luôn khẳng định được vị thế là một trong những trường trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện đào tạo các nghề đặc thù, đặc biệt của ngành Nông nghiệp và PTNT, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền núi phía Bắc và nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong vùng.

Lịch sử hình thành và phát triển của Nhà trường được chia thành các giai đoạn gắn với đặc thù, nhiệm vụ đào tạo trong từng giai đoạn như sau:

TRƯỜNG CÔNG NHÂN KỸ THUẬT LÂM NGHIỆP I TRUNG ƯƠNG (TỪ NĂM 1970 - 2006)

1. Xây dựng trường trong thời kỳ chiến tranh (từ năm 1970-1973)

Giữa những năm 1970 đang trong giai đoạn cả nước tập trung cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao cho ngành lâm nghiệp, ngày 05/9/1970 Tổng Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ban hành quyết định số 1104/CB-ĐT thành lập Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp I Trung ương.

Ngay sau khi có quyết định thành lập trường, Thày Hà Công Khả - nguyên là Trưởng phòng Hành chính của Trường Trung học Lâm nghiệp I Quảng Ninh về làm Hiệu trưởng và một số giáo viên của Trường Trung học Lâm nghiệp Việt Bắc (Bắc Kạn), Trường Công nhân Cơ giới trồng rừng (Lạng Giang – Bắc Giang) đã có mặt tại xã Hòa Thắng thuộc huyện Hữu Lũng để lựa chọn địa điểm xây dựng trường (địa điểm được lựa chọn để xây dựng trường cạnh ga Voi Xô), tuyển sinh, xây dựng trường sở bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá sẵn có ở địa phương. Đến tháng 11/1970 nhóm kỹ sư lâm nghiệp và các ngành mới ra trường về nhận công tác tại trường bổ sung vào lực lượng cán bộ, giáo viên của Trường như: Thày Bùi Như Diễm, Nguyễn Thiệu Tiếp, Trần Thi, Đàm Đình Ích, Trần Mỳ….

Khi mới thành lập, trường có 76 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Học sinh khóa I của Trường có 12 lớp với trên 300 học sinh nghề Trồng rừng và nghề Khai thác gỗ.

Năm 1971, Trường được bổ sung thêm giáo viên và thiết bị máy móc của Trường Công nhân cơ khí khai thác (Thái Nguyên) và Trường Trung học cơ khí Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đây chính là nguồn lực để Nhà trường mở và tuyển sinh các nghề: Lái máy ủi; Lái máy kéo gỗ và Lái xe ô tô.

Ngôi trường xây dựng chưa xong thì tháng 5 năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc lần thứ hai, nên trường di chuyển về xóm Phì Phà, xã Hòa Thắng cách nơi ở cũ hơn 3 km. Thày và trò lại tiếp tục vừa dạy, vừa học vừa tự xây dựng  lớp học và nhà ở. Bộ máy lãnh đạo và cán bộ chủ chốt đầu tiên của Trường gồm: Hiệu trưởng thày Hà Công Khả (mất năm 2015); Phó Hiệu trưởng thày Đỗ Ngọc; Trưởng phòng giáo vụ thày Trần Văn Kỵ; Trưởng phòng  Tổ chức  thày Bùi Xuân Lộc; Trưởng ban Trồng rừng thày Đàm Đình Ích; Trưởng ban Khai thác thày Tưởng Xuân Chi; Trưởng ban Xe máy thày Nguyễn Đức Hiếu.

Những năm 1970-1973, Nhà trường đã được chính quyền, nhân dân xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng  tận tình giúp đỡ, đây là chiếc nôi nuôi dưỡng Nhà trường  trong những năm đầu xây dựng đầy gian nan, vất vả và khó khăn.

Nhà tranh tre nứa lá do học sinh tự xây dựng trong những năm đầu thành lập Trường

2. Xây dựng trường tại địa điểm mới Xã Minh Sơn - Huyện Hữu Lũng (từ năm 1973 - 1979)

Tháng 10 năm 1973 theo chủ trương của Tổng cục Lâm nghiệp quyết định rời địa điểm Trường đến thôn Đồn Vang, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Nơi Trường chuyển đến chính là đại điểm hiện nay, khi đó là khu vực đồi núi, rừng tự nhiên còn rậm rạp. Nghị quyết của Đảng ủy - Ban Giám hiệu đề ra mỗi lớp phải tự làm lấy nhà ở, bếp và các công trình phụ, Nhà trường giúp san ủi nền nhà. Với chủ trương và quyết tâm trên, thày và trò tiếp tục vào rừng cách xa 2-3 km khai thác vật liệu làm nhà. Sau hơn một tháng, khu trường mới lại mọc lên gồm: nhà làm việc của Ban Giám hiệu và các phòng, ban; thư viện; nhà ở của học sinh; bếp ăn tập thể…

Quá trình tổ chức đào tạo: Thực hiện học đi đôi với hành, thày và trò Ban Trồng rừng năm 1973 đã gieo trồng Thông đuôi ngựa thành công tại Tiểu khu 12 thuộc xã Minh Sơn, nay thuộc đất do Trường quản lý.

Năm học 1976-1977, số học sinh của Trường lên gần 1000, các nghề đào tạo của Trường giai đoạn này gồm: Nghề Trồng rừng, Khai thác gỗ, Lái máy ủi đất, Lái máy kéo gỗ, Lái xe ô tô. Mặc dù điều kiện học tập và sinh hoạt còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng hoạt động dạy và học và các hoạt động phong trào khác rất sôi nổi. Năm 1979 trên 500 học sinh khoa 8 của Trường ra trường được xét tốt nghiệp đặc cách và được Bộ Lâm nghiệp điều đi công tác tại các lâm trường ở Tây Nguyên.

Thầy và trò lao động xây dựng Trường năm 1980

3. Thực hiện “Ngói hóa Nhà trường” (từ năm 1979-1987):

 Năm 1979 thày Đàm Đình Ích, Hiệu trưởng chuyển công tác về Cao Bằng, thày Hoàng Tài được Bộ điều động về làm Hiệu trưởng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường lần thứ VI đã đặt ra chủ trương phải “Ngói hóa Nhà trường”. Tháng 10 năm 1979 bắt đầu khởi công xây dựng các công trình của Trường (theo Quyết định số 326/TTg, ngày 27/8/1978 của Thủ tướng Chính phủ). Cùng với sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với truyền thống tự lực của tập thể CBCNV, giáo viên và học sinh toàn trường, Nhà trường đã thực hiện đào tạo kết hợp xây dựng cơ sở vật chất: đóng gạch; khai thác tận dụng gỗ củi trong tu bổ, cải tạo rừng đổi lấy ngói; kết hợp đào tạo thực hiện san đồi, bạt mái, đào móng, vận chuyển vật liệu xây dựng. Đây là thời kỳ sôi động nhất, Nhà trường vừa  tổ chức đào tạo vừa tổ chức công trường xây dựng.

Năm 1982, Trường hoàn thành việc ngói hóa. Từ ngôi trường với tranh, tre nứa lá tạm đến chỗ phấn đấu có nhà ngói, nhà 2 tầng khang trang để học tập, làm việc. Nhà trường còn tạo điều kiện giúp đỡ hàng chục gia đình CBCNV làm được nhà riêng tường xây, mái ngói và phát triển kinh tế thêm bằng chăn nuôi, trồng trọt để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, ổn định và gắn bó lâu dài với Nhà trường. Năm 1983, Nhà trường có điện lưới cao thế, đến năm 1986 hoàn thành cơ bản các hạng mục nhà lớp học, nhà ở học sinh và CBCNV, xưởng thực hành, thực tập.

Giai đoạn này Trường mở thêm nghề đào tạo mới là nghề Sửa chữa (năm 1981), nghề Chế biến gỗ (năm 1987). Lưu lượng học sinh giai đoạn này trên 1.000 và đều ở, sinh hoạt trong khu nội trú.

4. Đổi mới đào tạo, hợp tác với Liên Xô (từ năm 1987-1996):

Trường CNKT Lâm nghiệp ITW được tiếp nhận thiết bị đào tạo do Liên Xô viện trợ giai đoạn 1987 - 1991. Liên tục 3 năm làm nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ và 2 năm làm việc trực tiếp với chuyên gia Liên Xô, Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận 220 tấn thiết bị do Liên Xô viện trợ và nhận chuyển giao kỹ thuật.

Chuyên gia Liên Xô chuyển giao kỹ thuật cho giáo viên nhà trường

Lễ cắt băng khánh thành công trình viện trợ của Liên Xô

Thông qua tiếp nhận công trình viện trợ của Liên Xô, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường được trưởng thành rõ rệt về phương pháp công tác, kinh nghiệm làm việc với chuyên gia. Nhà trường đã tổ chức ứng dụng đưa vào giảng dạy các phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học do Liên Xô viện trợ có kết quả tốt, đến nay rất nhiều phương tiện, thiết bị và đồ dùng học tập vẫn đang được sử dụng có hiệu quả cho phát triển đào tạo của Nhà trường.

5. Đổi mới toàn diện, hợp tác với Hà Lan (từ năm 1997- 2006):
Năm 1997 Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Nhà trường thực hiện Dự án VN 7301 “Tăng cường khả năng đào tạo của Trường CNKT Lâm nghiệp T W” do Chính phủ Hà Lan viện trợ. Dự án thực hiện từ năm 1997 – 2002, các hoạt động và thành quả chính của Dự án là:

- Tăng cường năng lực quản lý của Nhà trường

- Tăng cường năng lực đào tạo thực hành của giáo viên

- Phát triển chương trình đào tạo và mô đun

- Thực hiện hoạt động lâm nghiệp cộng đồng và hỗ trợ chương trình đào tạo tại cơ sở.

- Thành quả của Dự án VN 7301 đã là tiền đề giúp Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng Chương trình VocTech “Nâng cao chất lượng và tăng cường một hệ thống giáo dục nghề lâm nghiệp theo nhu cầu” do Chính phủ Hà Lan viện trợ giai đoạn 2005 – 2009. Hiện nay Trường được tiếp tục tham gia Chương trình VocTech cùng với 8 Trường của Bộ Nông nghiệp & PTNT

Lãnh đạo Nhà trường cùng chuyên gia thảo luận kế hoạch triển khai Dự án

Giai đoạn này, Nhà trường thực hiện mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo, lưu lượng học sinh hệ dài hạn hàng năm tăng: Trước năm 2000 từ 800 – 900 học sinh; Năm 2001: 1.092 học sinh; Năm 2002: 1.160 học sinh; Năm 2003: 1.337 học sinh; Năm 2004: 1460 học sinh; Năm 2005: 1.700 học sinh; Năm 2006: 1.830 học sinh, học sinh hệ ngắn hạn bình quân trên 1000 HS/năm.
Các chương trình và Dự án Trường thực hiện từ năm 2005
- Dự án đầu tư Trường Trung cấp nghề Cơ điện và kỹ thuật Nông lâm Đông Bắc giai đoạn 2007 - 2010
- Dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 2006 - 2010
- Dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch 2007
- Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng 2006 - 2010
- Chương trình VocTech “Nâng cao chất lượng và tăng cường một hệ thống giáo dục nghề nghiệp Nông Lâm nghiệp theo nhu cầu” Do chính phủ Hà Lan tài trợ giai đoạn 2005 - 2009

TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ CƠ ĐIỆN VÀ KỸ THUẬT NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC (TỪ NĂM 2007-2008)

Trên cơ sở sắp xếp lại mạng lưới các trường dạy nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và triển khai thực hiện Luật Dạy nghề năm 2006, Trường được nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề Cơ điện và kỹ thuật Nông lâm Đông Bắc (Quyết định số 1032/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT).

ĐC: Nguyễn Thành Vân nhận Quyết định Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ điện và Kỹ thuật Nông lâm Đông Bắc tháng 11/2007

Bước sang giai đoạn mới Nhà trường phải vận động thích ứng để phù hợp với yêu cầu của xã hội và người học, biên soạn mới chương trình và giáo trình  đào tạo, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học để đáp ứng mục tiêu trở thành một trong các trường trọng điểm quốc gia đào tạo đa cấp đa nghề, có thương hiệu trong nước, trong khu vực.

Trong giai đoạn này Nhà trường đào tạo 13 nghề trình độ trung cấp nghề (Điện công nghiệp và dân dụng, Sửa chữa ô tô xe máy, Vận hành máy ủi, Vận hành máy xúc đào, Gò-Hàn, Cơ điện nông thôn, Cấp thoát nước nông thôn và đô thị, Lâm sinh, Lâm nghiệp đô thị, Khuyến nông lâm, Trồng cây ăn quả, Mộc dân dụng, Chạm khắc gỗ)  và các nghề trình độ sơ cấp.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC (TỪ NĂM 2009 ĐẾN NAY): ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Với những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, CNV. Nhà trường đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2009, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Quyết định số 671/QĐ-LĐTB&XH, ngày 27/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Đây là sự trưởng thành vượt bậc, là bước ngoặt quan trọng của Trường sau gần 40 năm xây dựng và phát triển.

Trong giai đoạn này, các nghề mới được tiếp tục mở rộng. Hiện nay Trường được giao nhiệm vụ  đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ gồm 12 nghề trình độ cao đẳng, 18 nghề trình độ trung cấp và 39 nghề trình độ sơ cấp để cung cấp nguồn nhân  lực kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực nông lâm nghiệp cho các tỉnh vừng Đông Bắc; bồi dưỡng kỹ năng nghề; đào tạo nghiệp vụ sư phạm; tham gia phổ cập nghề cho người lao động; tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ liên quan đến nội dung đào tạo của Trường và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo nghề…Bằng sự nỗ lực vươn lên, Trường được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phê duyệt 02 nghề trọng điểm khu vực ASEAN gồm: Công nghệ ô tô; Gia công và Thiết kế sản phẩm mộc và 02 nghề trọng điểm quốc gia gồm: Lâm sinh và Mộc xây dựng và Trang trí nội thất (Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 và Quyết định số 854/QĐ-LĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Cũng trong giai đoạn này, Trường được củng cố và đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo: Hoàn thiện Nhà giảng đường 5 tầng (2009-2011); Cải tạo và nâng cấp nhà làm việc Khu Hiệu bộ (2009-2010); Cải tạo, nâng cấp đường trục chính (2010-2011); Xây dựng mới nhà làm việc và hệ thống xưởng của khoa Cơ khí - Động lực (2011-2012); Xây dựng mới nhà làm việc và hệ thống xưởng  của khoa Chế biến gỗ (2013-2014); Hệ thống điện hạ thế được cải tạo và bổ sung thêm 02 máy biến áp.

Từ năm 2011 đến nay, Trường đang thực hiện Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015 và Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng. Các dự án được triển khai đã góp phần bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và bồi dưỡng giáo viên, góp phần đáp ứng với mục tiêu đào tạo nghề chất lượng cao và các nghề được quy hoạch trọng điểm Quốc gia và ASEAN.

Năm 2012, Trường Cao đẳng nghề công nghệ và Nông lâm Đông Bắc là một trong 17 cơ sở dạy nghề trên toàn quốc được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề trường Cao đẳng nghề. Kết quả kiểm định thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng dạy nghề. Đây là niềm vui, niềm tự hào của tập thể cán bộ giáo viên, công nhân viên và HSSV Nhà trường, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu của Nhà trường trong những năm tiếp theo để khẳng định thương hiệu, uy tín và trách nhiệm của Nhà trường đối với người học và thị trường lao động khu vực vùng Đông Bắc Việt Nam góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 theo Quyết định số: 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC ĐOÀN KẾT -  ĐỔI MỚI - PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Thưc hiện Luật giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ra quyết định số 904/QĐ-BLĐBXH, ngày 20/6/2017 về việc đổi tên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc thành Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.